Tín dụng xanh – xanh hóa môi trường

Giải pháp về tài chính, trong đó có chính sách tín dụng xanh được xem là có hiệu quả lớn trong việc khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch, an toàn hơn. Từ đó, góp phần xanh hóa những mảng nâu hướng tới phát triển bền vững kinh tế.

GCTF logo - 360-1030

 Cơ hội đổi mới công nghệ

 Hiện, các kênh về tín dụng xanh chủ yếu được tiếp cận qua Quỹ ủy thác tín dụng xanh do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) thành lập tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Quỹ được vận hành có sự phối hợp của cơ quan tài trợ SECO, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam và các ngân hàng ACB, Techcombank và VIB. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được bảo lãnh tín dụng (50%) và hoàn trả một phần (tới 25%) vốn vay ngân hàng để đầu tư cho công nghệ thân thiện với môi trường tùy theo tác động cải thiện môi trường của công nghệ đó.

 Nếu các dự án đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp đạt được các tiêu chí về giảm thiểu tác động đến môi trường doanh nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ quỹ theo 2 hình thức là bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay và thưởng từ 15 – 25% tổng giá trị khoản vay.

 Thời gian xem xét cho một dự án là 75 ngày, triển khai đầu tư trong 3 – 6 tháng. Đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ là các DN sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại muốn thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư thiết bị mang lại hiệu quả môi trường. Những loại hình công nghiệp tiềm năng là sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, da và sản xuất hóa chất…

 Hiện có trên 60 doanh nghiệp tại Việt Nam gửi hồ sơ tham gia chương trình hỗ trợ của GCTF, trong đó 40 hồ sơ đã đạt đủ các điều kiện sàng lọc ban đầu, 30 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và 12 dự án đã được ngân hàng giải ngân cho vay.

Gctf

 Thiếu thông tin về tín dụng xanh

 Tín dụng xanh chỉ những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường – xã hội. Những lợi ích về tín dụng xanh đối với công tác bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy vậy, tại Việt Nam hoạt động này còn mới mẻ, thậm chí giải pháp về tài chính xanh còn ít, chưa có giải pháp ngân hàng xanh trong chiến lược tăng trưởng xanh. Các ngân hàng thương mại truyền thống chưa sẵn sàng cung ứng sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh.

 Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành khảo sát thực tiễn về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trên 54 tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Khảo sát của IFC tập trung vào các vấn đề chính như: Nhận thức, hiểu biết của các tổ chức tín dụng về vấn đề môi trường xã hội; việc xây dựng chính sách và quy trình quản lý rủi ro môi trường xã hội; so sánh hoạt động quản lý rủi ro môi trường xã hội ở Việt Nam với các thông lệ quốc tế…

 Kết quả chỉ ra rằng, 89% số ngân hàng tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ tài liệu hướng dẫn hay tiêu chí nào về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành tài chính. 93% các ngân hàng cũng cho rằng cần phải có hướng dẫn về vấn đề này.

 Cần hành lang pháp lý

 Pháp luật hiện hành chưa có một quy định hay hướng dẫn nào đối với việc các ngân hàng phải cân nhắc đến những rủi ro về môi trường và an sinh xã hội trước khi cấp tín dụng. Văn bản pháp lý cao nhất quy định về các hoạt động bảo đảm an toàn môi trường là Luật Bảo vệ môi trường với nguyên tắc xuyên suốt là “Bảo vệ môi trường gắn hài hòa với phát triển kinh tế” và “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”.

 Tuy nhiên, Luật BVMT cũng chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm của khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các ngành nghề quan trọng (Điều 35 – 49), ngoài ra không nhắc đến trách nhiệm của ngành tài chính, ngân hàng. Các chế tài về xử lý ô nhiễm quy định trong Luật BVMT cũng như trong Bộ luật Hình sự – phần quy định về tội phạm môi trường cũng chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm.

 Chính điều này đã dẫn đến việc các cán bộ tín dụng ngân hàng hầu như không chú trọng tới việc đánh giá các rủi ro về môi trường, xã hội khi thẩm định tín dụng. Theo nghiên cứu Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện trên 19 ngân hàng thương mại Việt Nam lớn nhất hiện nay, hầu hết các cán bộ tín dụng chỉ kiểm tra trong hồ sơ xin vay vốn xem có bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay chưa, một số sẽ kiểm tra công nghệ xả thải và kế hoạch di dân (nếu có) của công trình/dự án, nhưng hầu hết đều dựa vào kinh nghiệm của người thẩm định chứ không có những quy định cụ thể của ngân hàng về vấn đề này.

 Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng hoàn toàn có thể góp phần hạn chế những rủi ro về mặt môi trường, xã hội, thông qua việc không cho vay vốn đối với những dự án gây ô nhiễm hoặc có tác động xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân. Mặt khác, việc kiểm soát chặt ngay từ khâu thẩm định tín dụng còn khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch và an toàn hơn.

 Theo tainguyenmoitruong.com.vn

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế ENTECH lần thứ 6

Từ ngày 21 đến ngày 23/5/2014, Hội chợ triển lãm Quốc tế ENTECH Hà Nội 2014 (Năng lượng Hiệu quả – Môi trường) đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E (Hà Nội) với hơn 200 gian hàng của khoảng 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước trưng bày các công nghệ sản phẩm tiết kiệm năng lượng và môi trường đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển.

Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) cũng tham gia Hội chợ nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, các nhà cung ứng thiết bị và giải pháp kỹ thuật công nghệ, và các đơn vị khác có quan tâm một cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho các dự án thay đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm tác động môi trường.

Entech1

 Giới thiệu Quỹ GCTF tại triển lãm ENTECH 2014

Các sản phẩm, công nghệ năng lượng-môi trường tại Entech Hanoi 2014 sẽ tập trung vào các lĩnh vực là công nghệ xây dựng; năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nguồn năng lượng; giao thông vận tải, xăng dầu và khí đốt; than và năng lượng tập hợp; tư vấn tiết kiệm năng lượng; công nghệ xử lý chất thải công nghiệp; công nghệ xử lý môi trường phục vụ sinh hoạt.

Image1

  Quỹ GCTF được điều phối bởi Trung tâm VNCPC

 Gian hàng của GCTF đã tiếp xúc với nhiều đơn vị bạn cùng tham gia triển lãm cũng khách tham quan. Các bên cùng trao đổi về những khả năng xây dựng dự án liên quan tới:

  • Sử dụng năng lượng mới, tái tạo thay thế cho các dạng năng lượng không tái tạo;
  • Lắp đặt các loại thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thay thế cho các thiết bị hiện có của các doanh nghiệp trong nhiều ngành sản xuất khác nhau: đèn chiếu sáng, bộ phận gia nhiệt, thiết bị phát nhiệt và phát điện di động, …

entech8

 Tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp tới dự Hội chợ ENTECH về Quỹ GCTF

Admin VNCPC

VNCPC và dự án SUPA tham dự Hội chợ Thủy sản Châu Âu tại Brussels Bỉ từ 6-8/5/2014

Hàng năm cứ vào dịp tháng 5, Hội chợ Thủy sản Châu Âu lại diễn ra với sự tham dự của hơn 100.000 người từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự chủ trì của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và các đối tác khác là VASEP, WWF-Việt Nam và WWF-Áo đã tham gia và có một gian hàng tại hội chợ nhằm giới thiệu dự án tới các tổ chức, các nhà nhập khẩu, các nhà buôn quốc tế.

Dự án cũng đã tài trợ cho 5 doanh nghiệp tham gia Hội chợ thủy sản Châu Âu nhằm kết nối thị trường. Trong buổi khai mạc, gian hàng Thủy sản Việt Nam đã có sự tham dự của ông Phạm Sanh Châu đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm tại Ủy ban Châu Âu, đại diện Tổng Cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đại diện Đài truyền hình Việt Nam tại Châu Âu, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu, cơ quan báo chí quốc tế và doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi Họp báo khai mạc gian hàng Việt Nam, Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Thủy sản đối với cơ cấu kinh tế Việt Nam và cam kết với quốc tế về một định hướng phát triển bền vững cho thủy sản  nói chung và cá tra nói riêng.

1

 Họp báo Khai mạc gian hàng Thủy sản Việt Nam

Sau buổi Họp báo, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã tới thăm gian hàng và nghe giới thiệu về dự án cũng như kết quả đạt được bước đầu. Đại sứ rất hoan nghênh nỗ lực của các tổ chức tham gia thực hiện dự án và mong muốn có nhiều hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan Việt Nam và tổ chức Châu Âu nhằm quảng bá thủy sản Việt Nam cũng như giúp doanh nghiệp Việt Nam hướng tới một nền sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.

2

Đại sứ Phạm Sanh Châu thăm gian hàng của dự án

3

Cơ quan thường trú Đài TH VN tại Bỉ đến đưa tin

4

Chuyên gia dự án Carson Ropper đưa các doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường tại các chuỗi siêu thị ở Châu Âu

Admin VNCPC

Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra, basa bền vững

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra, cá basa bền vững tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Switch-Asia của EU. Dự án sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua dự án, EU sẽ hỗ trợ trực tiếp toàn bộ chuỗi cung ứng cá tra từ khâu ương, sản xuất thức ăn, nuôi và chế biến của Việt Nam đến các nhà xuất nhập khẩu và người tiêu dùng. Đồng thời dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như ASC, GlobalGAP… hướng tới sản xuất bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra trên thị trường thế giới. EU hiện đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu cá tra Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm từ 2013 đến 2017.

Nguồn: Vasep

Tập huấn triển khai nhóm Sống xanh-Tiêu dùng bền vững tại Đà Nẵng

Dưới áp lực của tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên của trái đất, tạo ra sản phẩm bền vững là một xu hướng mới cho các nhà sản xuất toàn cầu trong đó có Việt Nam nhằm bảo vệ trái đất và các tài nguyên của chúng ta.

GetGreen Vietnam - 360-1030

Với mục tiêu xây dựng 50 nhóm mục tiêu với trên 1000 người tiêu dùng Việt Nam được đào tạo, họ sẽ là Nhân tố của sự chuyển đổi theo hướng tiêu dùng bền vững,trong 2 ngày 12 và 13/4/2014, được sự hỗ trợ dự án “Sống xanh Việt Nam” (GetGreen Vietnam), Hội LHPN thành phố đã triển khai thành lập 2 nhóm Sống xanh cộng đồng tại 2 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê và phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Hai nhóm tiêu dùng này sẽ sinh hoạt với 2 chủ đề được các Nhóm lựa chọn trong 10 chủ đề (rác thải sinh hoạt, trạm tái chế tại nhà, 3R tại văn phòng, đi siêu thị, tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, nhà bếp tương lai, là 1 “tá điền” thành thị, nhà tắm tương lai, hướng tới văn phòng xanh). Thời gian sinh hoạt của 2 nhóm từ tháng 4-6/2014 với 2 tuần sinh hoạt 1 lần (gồm 6 buổi trong đó có 2 buổi tham quan thực tế).

Thành viên tham gia Nhóm Sống xanh hay còn gọi là “hạt nhân thay đổi”, ngoài việc thay đổi chính bản thân, họ sẽ tạo ảnh hưởng đến những người xung quanh, giúp thay đổi thông qua việc áp dụng thực tế, truyền cảm hứng hay chia sẻ thông điệp của tiêu dùng bền vững trong môi trường sống và làm việc của mình./.

Theo phunudanang.org.vn

Khởi động nhóm GetGreen cho sinh viên Hà Nội

Sau khi kết thúc chuỗi đợt tập huấn về Tiêu dùng bền vững (TDBV) tổ chức tập huấn cho hơn 20 học viên đến từ nhiều tổ chức tại Hà Nội vào các ngày từ 26-28/02/2014, GetGreen Việt Nam đã hỗ trợ giúp đỡ các tập huấn viên triển khai hoạt động đào tạo cho các nhóm nhỏ hơn trong cộng đồng để cùng lan tỏa thông điệp “Cử chỉ xanh – Sống an lành” đến với cộng đồng.

Ngày 28/03/2014, buổi sinh hoạt đầu tiên trong đợt tập huấn TDBV buổi dành cho các bạn sinh viên được tổ chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Dưới sự hướng dẫn của chị Ngô Phương Thảo – một tập huấn viên trẻ của dự án, 16 bạn sinh viên đến từ các trường đại học tại Hà Nội đã cùng gặp gỡ, tham gia trao đổi và chia sẻ tại buổi tập huấn đầu tiên này.

gg1

Tại buổi tập huấn đầu tiên, chị Ngô Phương Thảo và các cộng sự đã giới thiệu sơ qua về dự án Get Green Việt Nam, giúp các bạn học viên có cái nhìn tổng quan về dự án. Đồng thời cũng giới thiệu đến các bạn học viên nội dung chính của khóa đào tạo, cũng như phương pháp đào tạo sẽ được sử dụng để các học viên có thể nắm rõ được các hoạt động, cũng như cách thức học tập khi tham gia đào tạo.

gg2

Các bạn học viên tham gia tập huấn đợt này đều là các bạn sinh viên trẻ trung, năng động đến từ nhiều trường đại học tại Hà Nội. Thêm vào đó các bạn đều có điểm chung là quan tâm tới các vấn đề về môi trường và mong muốn được đóng góp sức trẻ vào việc bảo vệ môi trường sống, cũng như kêu gọi cộng đồng cùng chung tay.

gg3

Kết thúc buổi tập huấn đầu tiên, ban tổ chức hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ phía các bạn học viên trong việc tham gia 5 buổi tiếp theo của khóa đào tạo, để khóa tập huấn đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, cũng mong muốn các bạn học viên bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ có thể cùng dự án lan tỏa thông điệp sống xanh tới nhiều người hơn trong cộng đồng.

Theo getgreen.vn